Sau khi thống nhất các lực lượng thành Cảnh sát biển Trung Quốc, Bắc Kinh đã trang bị “vũ khí tự vệ” cho các tàu tuần tra của lực lượng này để tăng cường cái gọi là “năng lực chấp pháp trên biển”.
Dẫn thông tin trên tờ Đại Công Báo xuất bản tại Hongkong ngày 16/6 đưa tin, sáng 14/6, tại cảng Chu Giang, Quảng Đông, Trung Quốc, các tàu Hải giám và Ngư chính nước này bắt đầu ồ ạt kéo ra Biển Đông thực hiện cái gọi là “tuần tra chấp pháp”, nhưng toàn bộ số tàu này xuất hiện dưới lớp sơn mới, tên gọi mới – Cảnh sát biển Trung Quốc.
Trước đó Trung Quốc đã quyết định hợp nhất Hải giám thuộc cục Hải dương quốc gia, Cảnh sát biên phòng thuộc bộ Công an, Ngư chính thuộc bộ Nông nghiệp, Cảnh sát chống buôn lậu của Hải quan thành 1 lực lượng mới gọi là Cảnh sát biển Trung Quốc.
Về mặt cơ cấu tổ chức, chủ trương chiến lược hoạt động của lực lượng này sẽ do cục Hải dương quốc gia Trung Quốc phụ trách, tuy nhiên về mặt “nghiệp vụ” sẽ do bộ Công an nước này chỉ đạo.
Đáng chú ý, một quan chức cục Ngư chính Nam Hải (hoạt động trái phép trên Biển Đông – PV) bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã nói với phóng viên tờ China News rằng sau khi thống nhất các lực lượng thành Cảnh sát biển Trung Quốc, Bắc Kinh trang bị “vũ khí tự vệ” cho các tàu tuần tra của lực lượng này để tăng cường cái gọi là “năng lực chấp pháp trên biển”.
Cái gọi là "vũ khí tự vệ" trên tàu Cảnh sát biển Trung Quốc hoạt động trái phép trên Biển Đông
<>Tàu Ngư chính 310 thuộc loại lớn nhất và hiện đại nhất của lực lượng Ngư chính nay cũng đổi tên thành Cảnh sát biển 3210. Không ít tàu Hải giám, Ngư chính được “cải tạo” từ các chiến hạm hải quân cũ trong khi một số được đóng mới.
Động thái trang bị vũ khí cho tàu tuần tra Cảnh sát biển Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh tranh chấp trên Biển Đông ngày càng căng thẳng.
Mới đây nhất, tờ Philstar ngày 13/6 đưa tin, khoảng 18 tàu Hải giám Trung Quốc đang xâm nhập trái phép “lãnh thổ Philippines” buộc Manila phải tăng cường thêm chi tiêu cho quốc phòng.
Vicente Agdamag, Phó tổng thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Philippines không nói rõ vị trí và chủng loại tàu Trung Quốc đang triển khai bất hợp pháp, nhưng ông liệt kê các hoạt động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông suốt từ năm 2011 trở lại đây.
Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough của Philippines từ tháng 4 năm ngoái, năm nay lại tiếp tục lặp lại “bài học Scarborough” ở Bãi Cỏ Mây nằm trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) hiện do Philippines kiểm soát.
Học giả Ian Storey thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, một chuyên gia về Biển Đông nhận định trên tờ Asia Times Onlines hôm 10/6: Mặc dù ASEAN và Trung Quốc thỏa thuận về việc khởi động đàm phán Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông COC, nhưng những diễn biến tình hình Biển Đông 6 tháng đầu năm 2013 đã chứng minh quỹ đạo chung của tranh chấp Biển Đông sẽ tiếp tục diễn biến xấu đi và rất ít khả năng cải thiện trong thời gian tới.
Trong những tháng tới khó có thể loại trừ khả năng sẽ nổ ra các cuộc đụng độ trên Biển Đông giữa lực lượng hàng hải (cảnh sát biển, kiểm ngư, hải giám, ngư chính…) và tàu cá các bên tranh chấp. Nói cách khác, nguy cơ xung đột trên Biển Đông đang ngày một lớn hơn, học giả Ian Storey nhận định.
(PNTD)