Ngày 16.5, Bộ Môi trường Trung Quốc đã cấp phép xây dựng đập thủy điện cao nhất nước này, bất chấp các lo ngại về việc gây ảnh hưởng tới hệ thực vật và một số loài cá hiếm.
Đập thủy điện này cao đến 314m, được xây dựng trên sông Đại Độ thuộc tỉnh Tứ Xuyên, miền nam Trung Quốc. Quá trình thi công đập kéo dài 10 năm, do một chi nhánh của Tập đoàn Năng lượng quốc doanh Quốc Điện tiến hành với số vốn đầu tư là 4,02 tỉ USD.
Trung Quốc có tham vọng nâng tỉ lệ năng lượng không phải từ dầu khí trong tổng sản lượng năng lượng tiêu thụ từ 9,4% năm 2011 lên 15% vào năm 2020. Thủy điện được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng nhất trong số đó. Vì vậy, Trung Quốc quyết tâm đẩy mạnh xây dựng các đập trong thời gian từ 2011 - 2015, sau khi chú trọng vào hoàn thành dự án đập Tam Hiệp gây tranh cãi vào năm 2005. Hiện con đập Tam Hiệp cao 185m tại sông Dương Tử này đang phục vụ cho trạm thủy điện có quy mô lớn nhất thế giới. Có 1,8 triệu người dân đã bị di dời, 15 thành phố và 116 ngôi làng bị chìm ngập dưới lòng hồ.
Hiện đập Xiaowan tại sông Lancang, hay còn gọi là sông Mêkông, đang giữ kỷ lục con đập cao nhất Trung Quốc với chiều cao là 292m.