Một liên minh gồm các nhóm người Philippines dự định tổ chức biểu tình chống Trung Quốc trên khắp thế giới vào tuần tới, trong khi chính phủ nước này tuyên bố họ không liên quan và sẽ không can thiệp hành động đó.
>
Người Philippines biểu tình chống Trung Quốc tại Manila hồi tháng 5 năm ngoái. Ảnh:Reuters |
Diplomat dẫn lời Liên minh biển Tây Philippines (Biển Đông) hôm 17/7 tuyên bố họ sẽ tổ chức biểu tình do tranh chấp trên Biển Đông vào ngày 24/7 ở nhiều thành phố trên thế giới, bao gồm Manila, London, Rome, Sydney, Copenhagen, một số thành phố của Mỹ và Israel... Các cuộc biểu tình sẽ diễn ra bên ngoài những tòa nhà sứ quán Trung Quốc, nhóm này cho biết.
Liên minh biển Tây Philippines bao gồm nhiều cựu quan chức Philippines, do cựu Bộ trưởng nội vụ Rafael Alunan III và cựu cố vấn an ninh quốc gia Rolio Golez lãnh đạo. Báo chí địa phương miêu tả liên minh gồm các cựu quan chức chính phủ, các cựu thủ lĩnh thanh niên, người dùng mạng và thậm chí là người Mỹ gốc Philippines", và các nhạc sĩ, nghệ sĩ cũng dự kiến tham gia biểu tình.
"Cuộc biểu tình này sẽ là khởi đầu của điều chúng tôi dự định sẽ trở nên lớn hơn, không chỉ ở Philippines mà còn toàn thế giới, để nói với thế giới việc đang xảy ra ở sân sau của chúng tôi, việc hàng xóm lớn của chúng tôi đang thực hiện uy hiếp", Golez nói. Trong khi đó, Alunan cho rằng ngày 24/7 là "ngày biểu tình toàn cầu". "Chúng tôi phản đối việc coi thường luật quốc tế một cách thô bạo ở biển Tây Philippines. Chúng tôi đề nghị Trung Quốc tôn trọng luật và là một hàng xóm tốt".
Inquirer dẫn lời chính phủ Philippines hôm nay cho biết họ không liên quan đến kế hoạch biểu tình của người dân nước này trên thế giới, nhưng cũng sẽ không cố gắng ngăn chặn. "Người Philippines có tất cả các quyền để bày tỏ và cất tiếng nói một cách hòa bình về quan điểm và cảm xúc của họ đối với vấn đề ở biển Tây Philippines", Raul Hernandez, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này nói.
Khi được hỏi liệu các cuộc biểu tình có thể kích động mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh hay không, ông Hernandez cho biết Bộ Ngoại giao hy vọng nó sẽ không tác động xấu vì người dân chỉ muốn thể hiện quan điểm về vấn đề. Người phát ngôn cũng cho rằng hành động sẽ không ảnh hưởng đến phiên tòa xử vụ Philippines kiện Trung Quốc trước Liên Hợp Quốc.
"Tòa án trọng tài sẽ tiếp tục xét xử dựa trên các luật lệ và giá trị của sự vụ này, vì vậy tôi tin rằng các hoạt động khác sẽ không ảnh hưởng đến vụ việc của chúng tôi và cách họ xử lý nó", ông nói.
Philippines hôm 16/7 thông báo Ban Trọng tài do Tòa án Quốc tế về Luật Biển thành lập đã có buổi họp đầu tiên vào ngày 11/7 tại thành phố The Hague, Hà Lan. Trong phiên họp đầu tiên này, Tòa án trọng tài đã thông qua một dự thảo về quy định trình tự xét xử đồng thời yêu cầu Philippines và Trung Quốc đưa ra ý kiến về bộ quy định này và đệ trình văn bản biện hộ trước ngày 5/8.
Trung Quốc và Philippines có tranh chấp chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham trên Biển Đông. Căng thẳng giữa hai nước lên cao từ tháng 4 năm ngoái khi Philippines chặn các tàu cá Trung Quốc tại bãi cạn.
Philippines khẳng định bãi cạn thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này, trong khi Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền tại khu vực được cho là có nguồn dầu mỏ và hải sản phong phú này. Hai nước liên tục điều các tàu tuần tra và cả tàu chiến tới bãi đá trong nhiều tháng liền, gây lo ngại xảy ra cuộc đối đầu trực tiếp. Căng thẳng chỉ dịu lại vào tháng 6 năm ngoái khi hai bên bắt đầu rút bớt tàu khỏi khu vực.
Trọng Giáp
<>