Tết Nguyên đán là dịp người Trung Quốc ở trong và ngoài nước đi về sum họp gia đình, thăm hỏi chúc Tết lẫn nhau với số lượng lớn nhất trong năm.
<>
Người dân đi lễ đầu năm tại thành phố Đài Bắc (Trung Quốc)
Bữa cỗ tất niên sum họp của các gia đình người Trung Hoa bao gồm cả họ hàng gần xa không thể thiếu món thịt gà, cá, đậu và khoai sọ; riêng món cá người ta không ăn hết mà để dành một phần qua đêm với ý nghĩa để gia đình sang năm mới cuộc sống ngày càng dư dật.
Tại các vùng miền khác nhau ở Trung Quốc cũng có các món ăn trong bữa cỗ giao thừa tượng trưng cho sự “thịnh vượng”. Ngày mùng Một Tết được coi là ngày thờ cúng mời thánh thần và tổ tiên về ăn Tết. Nhiều người Hoa kiêng ăn thịt vì cho rằng điều đó sẽ đem lại cuộc sống trường thọ, hạnh phúc.
Sáng mùng 1 Tết cũng là thời điểm gia đình tập trung đông đủ đón năm mới, vị cao niên trong nhà sẽ phát phong bao “lì xì” mừng tuổi cho con cháu và khách là nam thanh nữ tú, trẻ em đến chúc Tết gia đình.
Ngày mùng 2 Tết, các con rể đến thăm và mừng tuổi nhạc phụ, nhạc mẫu. Câu nói phổ biến nhất mà mọi người trong gia đình chúc Tết nhau và chúc Tết khách đến chơi trong dịp Nguyên đán là “Cung hỷ phát tài” và chủ nhà thường đãi khách bằng tiệc trà.
Người Trung Hoa tin rằng ngày mùng 3 Tết là ngày không thích hợp đi thăm hỏi chúc Tết và gọi ngày này là “chec hao”, nghĩa là “dễ xảy ra xung khắc”.
Vào ngày mùng 5 Tết, ở miền Bắc Trung Quốc, các gia đình thường ăn bánh bao vào buổi sáng để lấy may. Đây cũng là sinh nhật của Thần Tài nên nhiều cửa hiệu của người Hoa đã mở hàng năm mới trong ngày này.
Ngày mùng 7 Tết được coi là sinh nhật của mọi người trong năm mới nên các gia đình đều tụ tập ăn cỗ món truyền thống cá trộn salad và chúc nhau tiếp tục giàu có, thịnh vượng.
Rằm tháng Giêng là ngày cuối cùng trong dịp Tết Nguyên đán, vị cao tuổi trong gia đình thường chào đón mọi người bằng một rổ cần tây, món ăn trong ngày này gọi là “Tangyuan”, gồm những nắm xôi ngọt nhúng trong nước xúp.
Và điều không thiếu được là các gia đình nô nức tham dự lễ hội hoa đăng vào ban đêm, một lễ hội được coi là “Ngày Tình yêu” ở Trung Quốc như kiểu lễ thánh Valentine.
<>